Lịch sử hình thành

CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI - 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

I. CÂU LẠC BỘ THIẾU NHI – MÔ HÌNH GIÁO DỤC NGOÀI NHÀ TRƯỜNG ĐẦU TIÊN TRONG CẢ NƯỚC

Trước Cách mạng tháng Tám, Ấu trĩ viên - nơi xây dựng Cung Thiếu nhi ngày nay - là nơi vui chơi cho con em các gia đình giàu có, quan lại trong chính quyền cũ.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Ấu trĩ viên là nơi đặt trụ sở của Ban Chấp ủy Hội nhi đồng cứu quốc và cũng là nơi tập trung rất nhiều hoạt động sôi nổi của thiếu nhi Hà Nội. Tại đây, Ban phụ trách đã cùng các em tổ chức chức nhiều hoạt động như: Dạ hội, đốt lửa trại, thi vẽ tranh, triển lãm, tổ chức Tết trung thu và diễu hành cổ động chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”.

Năm 1946, tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, Chính phủ ta đã chọn Ấu trĩ viên là nơi tổ chức triển lãm thành tựu một năm Cách mạng Tháng Tám thành công để cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc. Đội thiếu nhi Hoàng Văn Thụ của các bạn thiếu nhi nghèo bán báo sinh hoạt tại Ấu trĩ viên được chọn làm nòng cốt trong lớp học về giao thông liên lạc. Khi bước vào cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “quyết tử” bảo vệ Thủ đô, nhiều đội viên đã trở thành “Vệ út” xuất sắc bên cạnh các anh chị Vệ quốc đoàn.

Sau ngày Thủ đô giải phóng (10/10/1954), Ấu trĩ viên được Thành đoàn Hà Nội tiếp quản và trở thành một trong 2 địa điểm đóng trụ sở làm việc của Ban Thiếu nhi Hà Nội với các anh chị cán bộ vừa trở về từ chiến khu như: Phạm Triều, Nguyễn Hiệp, Trần Văn Sự, Lê Kim Tú, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thúy Lãng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Câu lạc bộ thiếu nhi được thành lập nhằm mục đích hướng dẫn, giáo dục các em thiếu nhi phát triển năng khiếu trở thành những công dân có ích cho Thủ đô, trở thành mô hình hoạt động ngoài nhà trường dành cho thiếu nhi đầu tiên trong cả nước. Lúc này Câu lạc bộ mới chỉ có một bể bơi, một hội trường nhỏ và nhà 1 tầng ở phía cuối sân. Dù vậy, nhiều hoạt động sôi nổi của thiếu nhi thành phố đã được khởi xướng mạnh mẽ từ đây như việc chuẩn bị cho thiếu nhi Hà Nội đón Bác về Thủ đô, trại hè hòa bình, thành lập đội Thiếu niên Tiền phong lần đầu tại Hà Nội. Nhiều hoạt động lớn cho thiếu nhi đều được tổ chức tại đây trước khi mở rộng trong thành phố, điều đặc biệt và vô cùng vinh dự là suốt trong những năm sau ngày giải phóng Thủ đô, dạ hội trung thu tại đây đã nhiều lần được đón Bác Hồ đến dự. Hoạt động thường xuyên và nổi bật của CLB thời kỳ này là tổ chức các ban ca, nhạc, múa để biểu diễn phục vụ các hoạt động của Trung ương và Thành phố, tham gia biểu diễn đón các đoàn khách quốc tế, nhiều mô hình bồi dưỡng năng khiếu bắt đầu từ đây với các đội vẽ, kịch, múa rối, bóng bàn, vô tuyến điện.

Năm 1964, giặc Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, cán bộ, nhân viên Câu lạc bộ đã không quản khó khăn, gian khổ đi xuống các cơ sở, trường học nơi các em sơ tán, tổ chức nhiều buổi liên hoan văn nghệ, lớp học, dựng đèn chiếu kể chuyện cổ tích dân gian, đọc sách lưu động, triển lãm ảnh chiến thắng cả hai miền Bắc Nam…vv. Câu lạc bộ còn tổ chức liên hoan văn nghệ giữa các em thiếu nhi Hà Nội đi sơ tán với các em thiếu nhi địa phương, tổ chức quyên góp giẻ lau súng, lấy lá nguỵ trang mang ra trận địa phục vụ các chú bộ đội, biểu diễn văn nghệ phục vụ bên mâm pháo, trận địa tên lửa, trở thành lá cờ đầu trong phong trào “việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước”, với khẩu hiệu “vững như cầu Long Biên, hiên ngang như Câu lạc bộ”.

Sau hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Tháng 10-1974, được sự giúp đỡ của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc (cũ), một tòa nhà 6 tầng gồm 100 phòng học, sinh hoạt được thiết kế, trang bị khá hiện đại trên nền của Câu lạc bộ Thiếu niên Hà Nội với diện tích hơn 10 nghìn m2 được khởi công xây dựng, là công trình thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố với công tác chăm sóc giáo dục thiếu nhi và là biểu hiện cao đẹp của tình hữu nghị Việt Nam - Tiệp Khắc thời kỳ này.

II. NHÀ VĂN HÓA THIẾU NHI HÀ NỘI (1975 - 1985)

Hơn hai năm sau ngày thống nhất đất nước, ngày 19-2-1977, công trình xây dựng Nhà Thiếu nhi do nước CHXHCN Tiệp Khắc giúp đỡ được hoàn thành và đưa vào sử dụng với các khoa chuyên môn, phòng nghiệp vụ như khoa học sáng tạo, thể dục thể thao, nghệ thuật, công tác Đội, rạp Khăn quàng đỏ, nhà truyền thống Bác Hồ...đón tiếp hàng nghìn lượt thiếu nhi các tỉnh về thăm quan. Hàng trăm nghìn thiếu nhi Thủ đô đã có một tòa lâu đài mơ ước để đến vui chơi, phát triển năng khiếu và rèn luyện đạo đức, nhân cách.

Trong những năm 1975 đến 1985, đất nước bước vào giai đoạn phục hồi sau chiến tranh, Nhà Văn hóa thiếu nhi đã có nhiều hoạt động sôi nổi thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các em thiếu nhi, các bậc phụ huynh học sinh, của bạn bè quốc tế. Nhiều em thiếu nhi, cán bộ phụ trách đã được cử đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm công tác thiếu nhi và thúc đẩy mối quan hệ bền vững trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu mới của công tác thiếu nhi, các anh chị phụ trách Nhà văn hóa thiếu nhi đã xây dựng nên nhiều giáo trình, đề tài khoa học về phương pháp, kinh nghiệm tiên tiến trong công tác tập hợp, giáo dục trẻ em ngoài nhà trường. Có thể nói, đây là thời kỳ có những hoạt động quốc tế khá sôi động và hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nước về hoạt động của Nhà Văn hóa.

III. CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI

Trong chặng đường xây dựng và trưởng thành, ngày 1-6-1985 đã trở thành mốc son vẻ vang của Nhà Văn hóa thiếu nhi, khi tập thể cán bộ, thiếu nhi Nhà Văn hóa vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và nhận quyết định chuyển thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Nối tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang của Cung Thiếu nhi, những năm qua, Cung Thiếu nhi Hà Nội giữ vững vị thế của “cánh chim đầu đàn” trong cả nước về giáo dục ngoài nhà trường cho thiếu nhi. Hàng năm thu hút hơn 28.000 lượt em đến học tập, vui chơi và sinh hoạt ở 60 bộ môn, CLB sở thích thuộc 6 lĩnh vực: Nghệ thuật, Mỹ thuật, Thể dục thể thao, Giáo dục Tổng hợp, Ngoại ngữ, Kỹ thuật công nghệ.

Là trung tâm hoạt động ngoài nhà trường, Cung Thiếu nhi Hà Nội tập trung tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh, xây dựng các mô hình mẫu về sinh hoạt ngoài nhà trường thông qua việc tổ chức hoạt động của các đội, nhóm, CLB như: đội nghi thức, đoàn nghệ thuật măng non, CLB biểu diễn, CLB Guitar, CLB báo chí… Hàng năm, Cung Thiếu nhi tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện lớn dành riêng cho thiếu nhi như: kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), rằm Trung thu, Thi thiết kế thời trang, Liên hoan các bài hát tiếng Anh, Liên hoan các bài hát tiếng Pháp…Xây dựng các chương trình biểu diễn, nghi thức phục vụ các hoạt động, sự kiện chính trị - xã hội lớn của Thủ đô và Trung ương. Thông qua các hoạt động giao lưu, biểu diễn, Cung Thiếu nhi còn “kết nối yêu thương” đến những thiếu nhi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội đến sinh hoạt.

Trải qua 60 xây dựng và phát triển, Cung Thiếu nhi Hà Nội luôn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hà Nội. Cũng từ đây, nhiều thế hệ đội viên, thiếu niên đã được chắp cánh bay cao bay xa tới khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành những công dân tốt của Thủ đô. Họ là những nghệ sĩ Thanh Huyền, Hồng Vân, Ái Xuân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Hồng Kỳ, Ngọc Khuê, Dương Hoàng Yến, Tăng Nhật Tuệ…vv, là những vận động viên tiêu biểu như kiện tướng bóng bàn Quốc Hoàng, Kim Hạnh, kiện tướng cầu lông Hồng Hạnh, kiện tướng quốc tế cờ vua Hoàng Thanh Trang… những tấm gương tiêu biểu về học tập và công tác xã hội như: TSKH ngữ văn Đoàn Hương, nhà báo Tạ Bích Loan, đạo diễn Phi Tiến Sơn, Hoàng Minh Hồng - người Việt Nam đầu tiên cắm cờ ở Nam Cực.

Với những nỗ lực không ngừng, những bước đi đúng hướng và hiệu quả, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã ngày càng khẳng định được uy tín và vị thế trong long thiếu nhi Thủ đô. Trong chặng đường suốt 60 năm qua, Cung Thiếu nhi đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba (năm 1995), hạng Nhì (năm 2000), hạng Nhất (năm 2005) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) cùng nhiều phần thưởng cao quý ghi nhận những nỗ lực cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Giới thiệu

(84-4) 39393014
Thư viện ảnh